TRƯỜNG VĂN HÓA QUÂN ĐỘI, THUỞ “HÀN VI”

60 năm, ngày thành lập Trường Văn hoá Quân đội (18/5/1955 – 18/5/2015)

_____________________________________________________

cdnvn-hoa-mai-6

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ ba loại “giặc” trong thời “Cách mạng – Kháng chiến – Kiến quốc” là “Giặc đói”, “Giặc dốt”, “Giặc ngoại xâm”.

Đói thì dễ dốt. Dốt thì dễ đói. Đói và dốt thì dễ bị/khó chống ngoại xâm. Ngoại xâm lại làm ta càng đói, dốt… Cái vòng luẩn quẩn ấy, nhất định phải đập tan. Ba thứ “giặc” ấy, nhất định phải diệt.

Lập nước với một dân tộc có hơn 90% số người mù chữ, “Giặc dốt” vừa là nguy cơ trước mắt vừa là nguy cơ lâu dài. Vì thế, ngay sau khi độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố, lấy chữ Quốc ngữ làm chữ viết chính thức của chế độ, phát động phong trào “Xóa nạn mù chữ” và lập Nha Bình dân Học vụ, lo việc dạy học để toàn dân diệt “Giặc dốt”, tính kế lâu dài cho “Nước mạnh”.

Xây dựng lực lượng vũ trang với đội quân sinh ra từ một dân tộc bị Thực dân – Phong kiến bỏ cho thất học như vậy, ngày 18/5/1955, tức là một năm sau ngày “Giải phóng Điện Biên”, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng (BQP) quyết định thành lập Trường Văn hóa Quân đội, để toàn quân diệt “Giặc dốt”, tính kế lâu dài cho “Binh cường”.

Trường Văn hóa Quân đội ra đời, được mang phiên hiệu quân sự D126, ban đầu đóng quân tại sân bay Kiến An, Hải Phòng, trên vùng đất thuộc “Khu vực 300 ngày”, ngay khi quân Pháp vừa rút hết khỏi miền Bắc.

Đồng chí Lê Quang Hoà, Cục trưởng cục Văn hoá được giao làm Hiệu trưởng kiêm chính uỷ đầu tiên của trường (sau này Đồng chí là Thượng tướng, thứ trưởng BQP kiêm Tổng thanh tra QĐ).

Khi ấy, cán bộ và chiến sĩ của quân đội ta, chủ yếu mới có trình độ văn hóa cấp 1, cấp 2 hoặc mới biết đọc, biết viết qua Bình dân Học vụ, thậm chí nhiều người còn mù chữ! Làm sao khác được, khi mà trước đó, cả tỉnh Thanh Hóa rộng lớn như vậy, lại là “vùng tự do” trong kháng chiến chống Pháp, mà mới chỉ có một trường cấp 2 Đào Duy Từ và một trường cấp 3 Lam Sơn? Nhiệm vụ nâng cao văn hóa cho cán bộ – chiến sỹ ta thời ấy là vô cùng khẩn thiết.

Những học viên đầu tiên về trường là những cán bộ quân đội sơ cấp và chiến sĩ ưu tú, đòi hỏi phải tốt nghiệp tiểu học trở lên; những cán bộ trung- cao cấp thì có thể đang học dở tiểu học cũng được nhập học.

Bộ Giáo dục đã tăng cường một đoàn cán bộ biệt phái khoảng 30 người. Đoàn gồm các sinh viên được chọn từ các trường đại học lúc ấy, đa phần giáo viên được học trong kháng chiến ở Khu 4, có 2 giáo viên cấp 1 từ vùng tự do Khu 5. Đoàn do đồng chí Lê Ngọc Du dẫn đầu. Đây là lực lượng giáo viên chính. Trong số họ, giáo viên  Nguyễn Đăng Phất và giáo viên Nguyễn Minh Chương sau này đều là Tiến sĩ toán học. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Phất từng là Chủ nhiệm Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Để bổ sung cho đội ngũ giáo viên, nhà trường quyết định rút một số học viên đợt đầu, vốn đang học dở hoặc đã hết cấp 3, lên dạy cấp 1 và cấp 2. Giáo viên Trung văn là một số anh chị em đi học ở Trung Quốc trước đó, được điều về, trong số này, có cô Hồ Mộ La, sau này là một ca sỹ nổi tiếng trong ngành nghệ thuật. Sau nữa, là các cô giáo Lý Thị Ngần, Nguyễn Thị Tâm…

Về tổ chức, ngoài khối hiệu bộ, trường tổ chức học viên thành 2 khối, một là Khối Cán bộ sơ cấp và chiến sĩ, hai là Khối Cán bộ trung – cao cấp. Học viên được chia thành các đại đội.

Chương trình giảng dạy là chương trình bổ túc văn hóa: cấp 1 (toán và văn); cấp 2, cấp 3 (toán, lý, hoá).

Sau gần 3 năm học đầu tiên, đã có hơn ngàn học viên tốt nghiệp và được cử đi học ở các trường quân sự trong và ngoài nước.

Trong đợt đầu ấy, có những học viên sau này rất thành đạt, từng giữ các trọng trách của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Đó là nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh; các vị tướng Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung, Bằng Giang, Bùi Phùng, Đào Đình Luyện, Trần Hanh … Riêng đồng chí  Phùng Thế Tài, khi học ở trường, một mình một lớp, một giáo viên. Người giáo viên ấy là đồng chí Lưu Đình Miện, vốn là học sinh cấp 3 Lam Sơn, được đưa lên tăng cường làm giáo viên (đồng chí Miện vừa mất năm ngoái- 2014, tại 32 Lý Nam Đế – Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi).

Năm 1958, Trường Văn hóa Quân đội rời Kiến An, về Lạng Sơn, đóng trong Thành cổ Lạng Sơn, thuộc phường Chi lăng, nằm ở gần ga xe lửa, bờ nam sông Kỳ Cùng. Doanh trại là là một khu trại lính từ thời Pháp mới được cải tạo lại.

Trước đòi hỏi nguồn nhân lực to lớn cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại, yêu cầu chất lượng dạy và học ngày càng cao. Đội ngũ giáo viên của trường không ngừng được nâng cao cả về số và chất lượng và được tổ chức thành 2 khối: Khối Bổ túc văn hóa và Khối Ngoại ngữ, còn các học viên thi được phân theo các đại đội, trung đội.

Từ năm 1960, nhà trường tổ chức thêm Tiểu đoàn 1 học viên, gồm 3 đại đội Thiếu sinh quân và 2 đại đội ngoại ngữ. Các thiếu sinh quân- gồm gần 300 học viên- hầu hết là con em cán bộ và gia đình thành phần cơ bản, đã tốt nghiệp cấp 2 phổ thông, có độ tuổi từ 15 đến 17. Thiếu sinh quân được học văn hoá theo chương trình bổ túc, song song với chương trình quân sự huấn luyện tân binh. Sau 2 năm học tập và rèn luyện, hè năm 1962, khoá thiếu sinh quân đầu tiên tốt nghiệp, họ đã trở thành anh bộ đội thực thụ và 100% được tiếp tục theo học các trường sỹ quan trong và ngoài nước… Trong số những học viên thiếu sinh quân và Tiểu đoàn 1, sau này có nhiều người thành đạt như Thiếu tướng Tống Kiên- nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP; Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn rơi pháo đài bay B52; Đồng chí Đoàn Mạnh Giao – nguyên Chánh Văn phòng Chính phủ; Thiếu tướng Nguyễn Chí Liêm- nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc …

Năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã trùm lên khắp miền Bắc. Ở miền Nam, cuộc chiến cũng ngày càng mở rộng và ác liệt. Để chuẩn bị lực lượng hậu bị lâu dài cho quân đội, Quân uỷ và BQP giao cho Trường Văn hoá Quân đội tạm dừng nhiệm vụ dạy bổ túc văn hoá để tổ chức đào tạo thiếu sinh quân mà đối tượng là con em những cán bộ quân đội đang trực tiếp tham gia chiến đấu, công tác ở các chiến trường và con em các gia đình có công với nước. Việc tổ chức một trường thiếu sinh quân tạo điều kiện cho con em họ được học văn hoá và rèn luyện trong môi trường quân đội để trở thành lực lượng hậu bị cho quân đội sau này, mặt khác cũng là nhằm giảm bớt một phần gánh nặng gia đình, để họ yên tâm dồn hết trí tuệ, sức lực cho công cuộc kháng chiến.

Thực hiện nhiệm vụ đó, đầu năm 1965, Trường Văn hoá Quân đội bắt đầu tuyển sinh. Tháng 9 năm ấy, tại Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhà trường tổ chức khai giảng năm học mới với gần 800 học viên là những học sinh phổ thông, từ lớp 5 đến lớp 9. Ngày khai giảng cũng chính là ngày giỗ đầu anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi và nhà trường đã vinh dự được mang tên Trường Văn hoá Quân đội- Nguyễn Văn Trỗi (cũng còn được gọi là Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi).

Trong chuỗi lịch sử 35 năm hoạt động của Trường Văn hóa Quân đội, riêng 5 năm (từ 1965 đến 1970) Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã cho “ra lò” 8 khoá học với 1.200 học viên, hầu hết đều trở thành các quân nhân. Nhiều người sau này khá thành đạt, đã và đang giữ những trọng trách của nhà nước và quân đội. Đó là Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, hiện là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; là Trung tướng Nguyễn Chiến – nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ; là nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin và Du lịch Trần Chiến Thắng, Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc – Tiến sĩ, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học – Công nghệ Bộ Quốc phòng ; Trung tướng – Tiến sĩ Trần Duy Anh – nguyên Giám đốc viện Quân y 108; Thiếu tướng – Tiến sĩ Nguyễn Phục Quốc, nguyên Giám đốc viện Quân y 175; Thiếu tướng Bùi Vinh – nguyên Cục trưởng Cục Kế hoạch Đầu tư Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 11; là NSƯT Dương Minh Đức – nguyên Phó Giám đốc Trường Nghệ thuật Quân đội; là Anh hùng liệt sỹ Huỳnh Kim Trung v.v…

Năm 1970, sau 5 năm đào tạo thiếu sinh quân, Trường Văn hóa Quân đội được tổ chức lại và trở về đóng quân ở vị trí cũ tại Lạng Sơn. Lúc này, trường tổ chức dạy và học theo 2 khối như từ năm 1964 về trước, là Khối Bổ túc văn hóa và Khối Ngoại ngữ, đồng thời có thêm Khối Luyện thi đại học.

Khối Bổ túc dạy học viên đến hết cấp 3, để học viên có thể đi học chỉ huy trung – cao cấp. Nếu ai đi nước ngoài, thì lại sang học thêm ở Khối Ngoại ngữ. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, Anh hùng LLVT, Chiến sĩ Thi đua toàn quân đã theo học tại đây. Trong số họ có Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Phùng Văn Khầu, Chu Văn Mùi, Bùi Đình Cư, Trịnh Thị Cửu v.v… Riêng nữ Anh hùng Tạ Thị Kiều, được bố trí cho học một mình một lớp với ba giáo viên, một y sĩ.

Sau này còn có riêng một tiểu đoàn gồm các Anh hùng và Dũng sĩ diệt Mỹ – Ngụy, từ chiến trường miền Nam ra theo học.

Hàng trăm trong số hàng ngàn học viên Khối Bổ túc (tiểu đoàn 3), đã qua Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị trong và ngoài nước để trở thành những người lãnh đạo – chỉ huy chủ chốt của quân đội ta: Đại tướng Lê Văn Dũng – nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN; Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên – AHLLVT, nguyên Ủy viên Ban chấp  hành Trung ương Đảng (UVBCHTƯĐ), nguyên Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN; Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – Anh hùng LLVT, nguyên UVBCHTƯĐ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Đào Trọng Lịch – nguyên UVBCHTƯĐ, nguyên Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN; Trung tướng Ma Thanh Toàn – AHLLVT, nguyên UVBCHTƯĐ, nguyên Tư lệnh Quân khu 2; Thượng tướng Nguyễn Văn Được – AHLLVT, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Thế Trị – AHLLVT, nguyên Tư lệnh Quân khu 3, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng; Thượng tướng Võ Tiến Trung – AHLLVT, UVBCHTƯĐ, hiện là Giám đốc Học viện Quốc phòng; Trung tướng Phạm Xuân Thệ – AHLLVT, nguyên Tư lệnh Quân khu 1; Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN; Trung tướng Nguyễn Như Hoạt – AHLLVT, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng; Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng – AHLLVT, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4; Trung tướng Nguyễn Văn Lân – nguyên Tư lệnh Quân khu 3; Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt – AHLLVT, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân; Trung tướng Lê Xuân Tấu – AHLLVT, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; Trung tướng – Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình – AHLLVT, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân; Trung tướng Dương Công Sửu – AHLLVT, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 1; Thiếu tướng Mai Năng – AHLLVT, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công; Thiếu tướng Vũ Bá Đăng – nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; Thiếu tướng Trần Danh Bích – nguyên Cục trưởng Cục Cán bộ – Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Phạm Ngọc Phan – nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức – Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn – nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật v.v…

Khối Ngoại ngữ (D4), chuyên bồi dưỡng tiếng nước ngoài cho học viên ta đi học ở các nước bạn. Tại đây, học viên được học tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Hung-ga-ri. Rất nhiều cán bộ chỉ huy cao cấp và nhiều AHLLVT ta như Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Tuân, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Trương Uy… đều đã qua chương trình ngoại ngữ ở đây. Thật khó có thể kể hết một lúc được!

Từ năm 1970, Bộ Đại học ra quy chế thi bắt buộc vào các trường đại học. Nhà trường đã tổ chức thêm Khối Luyện thi đại học gồm hai tiểu đoàn (D1 và D2), để bồi dưỡng văn hoá cho cán bộ – chiến sĩ ta có đủ kiến thức để dự thi vào các trường đại học từ khoá 1971 – 1972, như vào trường Đại học Kỹ thuật quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự – khối A); Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y – khối B) và một số trường đại học khác như Đại học Bách khoa, Tổng hợp Hà Nội… Từ đây, hàng ngàn học viên đã đến được các giảng đường đại học, trong và ngoài quân đội, trong và ngoài nước, nhiều người đã tốt nghiệp đại học và trên đại học. Tỷ lệ đỗ vào đại học của hai khối này thường xuyên đạt trên 90%, một tỷ lệ mà không một trường trung học phổ thông nào lúc bấy giờ đạt tới. Nếu biết rằng thời ấy, việc dạy và học chưa hề mắc bệnh “chạy theo thành tích”, thì kết quả ấy (nói một cách khiêm tốn), quả là một kỳ tích! Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – ỦVBCHTƯĐ, Thứ trưởng BQP hiện nay, là một trong số các học viên khối này.

Sau ngày giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước, nhu cầu bồi dưỡng văn hoá cho các quân nhân tăng vọt nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, củng cố quốc phòng và tái thiết đất nước sau chiến tranh, BQP đã tổ chức mở các trường văn hoá ở các quân khu, quân đoàn, quân-binh chủng, thì Trường Văn hóa Quân đội được đổi tên thành Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng,  vẫn đóng quân ở vị trí cũ trong thành cổ Lạng Sơn.

Từ năm 1980, trường còn làm thêm nhiệm vụ dạy tiếng Việt cho học viên quân đội Lào và Cam-pu-chia, để họ có thể theo học các trường quân sự Việt Nam. Bây giờ, chắc nhiều cán bộ trung – cao cấp trong quân đội của Bạn vẫn còn nhớ, còn giữ mãi, mối tình hữu nghị “đặc biệt” ấy. Nhiều cán bộ – giáo viên của trường  cũng đã trở thành các  chuyên gia, xây dựng thành công hai trường văn hóa quân đội cho Lào và Cam-pu-chia như các đồng chí Nguyễn Xuân Bân, Đỗ Xuân Khoát, Mai Xuân Hiến, Bùi Cao Thưởng v.v…

Đội ngũ giáo viên của trường, từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, đã được bổ sung thêm nhiều giáo viên trẻ, đầy nhiệt huyết và họ đều là những sinh viên ưu tú đã tốt nghiệp các trường đại học Sư phạm, Tổng hợp, Ngoại ngữ và nhiều người đã kinh qua các đơn vị chiến đấu. Đến năm 1975 tổng số giáo viên lúc này đã lên đến cả vài trăm.

Trong số những giáo viên của nhà trường, sau này, có người trở thành Tiến sĩ toán học như các anh: Bùi Hữu Nghị – Phó Giáo sư, Nhà giáo ưu tú, nguyên Trưởng Khoa Toán – Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội I; Nguyễn Hải Bắc – nguyên chuyên viên Cục Hình sự Bộ Quốc phòng; có người trở thành Thạc sỹ Toán học, đó là anh Trần Trí Kiệt – nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Trung học Trần Quốc Tuấn, Tổng cục II. Anh đã có mấy công trình nghiên cứu công bố tại Nga. Anh Vương Trí Nhàn, vốn là giáo viên văn, trở thành một nhà  lý luận – phê bình văn học nổi tiếng. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mỹ học, nhà lý luận – phê bình uy tín Đỗ Lai Thúy, vốn là một giáo viên Nga văn. Lại có người trở thành Nhà thơ – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như anh Vương Trọng, vốn là giáo viên toán và người viết bài này, vốn là giáo viên vật lý. Có những người trở thành nhà báo chuyên nghiệp như các anh Phạm Đình Trọng, Nguyễn Chi Phan, Nguyễn Dân Quyền.

Nhiều người trở thành những nhà lãnh đạo địa phương như các anh: Cao Văn Cường – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Nguyễn Văn Nông – nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Lạng Sơn; Nguyễn Văn Thịnh – nguyên Phó Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Lạng Sơn… Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ hiện nay – Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn – cũng từng là giáo viên toán trong trường ta.

Rất nhiều giáo viên khác đã trở thành những bậc thầy trong “nghề” dạy phổ thông cũng như luyện thi đại học như các thày Bạch Quốc Bính, Nguyễn Chân Biểu, Mai Xuân Hiến, Chu Thế Chi, Phùng Quang Minh, Nguyễn Văn Minh,  Đào Danh Tình, Trần Sùng Lãm, Phạm Văn Khánh, Phạm Quang Lại, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Quốc Soản, Đỗ Trung Cường, Trương Hữu Cường, Bùi Cường, Võ Khắc Đôn, Trần Hữu Dực, Phạm Doãn Mậy, Nguyễn Thọ Vĩnh, Lê Hữu Diệm, Trần Công Hồng, Phan Tấn Thế… (môn Toán); Lê Hùng, Nguyễn Thân Bổng, Thẩm Gia Đạo, Nguyễn Đức Lương, Nguyễn Văn Đạt, Đoàn Ngọc Bẩy, Nguyễn Ngọc Xuân, Nguyễn Văn Sêu, Nguyễn Văn Nghị, Trần Văn Xiển, Đinh Văn Tịnh, Hà Đức Tú, Nguyễn Hữu Miện, Nguyễn Hữu Bảo, Phùng Ngọc Huyên, Long Hà, Nguyễn Tuyển, Vũ Đình Khang, Tạ Đình Điền, Đặng Hữu Trình, Võ Tam Tỉnh… (môn Vật Lý); Tạ Dũng, Nguyễn Đại Thành, Hoàng Văn Côi, Đào Quyết Thắng, Phạm Hóa, Phạm Mạnh Chuẩn, Nguyễn Văn Mộc, Phan Huy Vân, Thái Thị Long… (môn Hóa); Cao Cự An, Nguyễn Hữu Trường, Nguyễn Khắc Tố, Lê Đình Căn, Phạm Đăng Hiệu… (môn Văn); Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Văn Tám… (môn Sinh vật); Lê Vân Hà, Nguyễn Chí Tâm, Nguyễn Hữu Dũng, Vũ Tư Chiệc, Vũ Gia Ninh, Nguyễn Kim Thư, Trần Thị Huấn, Đỗ Đắc Luyến, Phạm Huyền Nga, Nguyễn Văn Thưởng, Lê Hữu Tiệp, Đào Ngọc Tài, Trần Thị Minh Trang, Phí Văn Hội… (môn Ngoại ngữ); Đinh Công Bắc, Nguyễn Thị Kim, Đoàn Văn Thường… (môn Lịch sử); Đinh Văn Châu, Lâm Quang Dốc, Nguyễn Văn Thạch… (môn Địa lý).

Hàng trăm lượt cán bộ quản lý và công nhân viên mẫn cán khác, cũng đã sát cánh cùng các thế hệ giáo viên và học viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm là dạy tốt và học tốt mà Quân uỷ và BQP giao, góp phần to lớn vào truyền thống vẻ vang của nhà trường.

Đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nền giáo dục nước nhà đã đủ sức trang bị trình độ văn hóa cấp 3, bây giờ gọi là Phổ thông Trung học, cho những thanh niên muốn lập nghiệp trong quân đội. Họ thi thẳng vào các học viện, các trường cao đẳng quân sự, các trường sỹ quan, mà không phải qua các trường văn hóa quân đội nữa (kể cả các trường văn hóa của quân khu, quân đoàn, quân – binh chủng). Các sỹ quan trẻ cũng không còn phải học bổ túc văn hóa như trước.

Từ khoá học 1981 – 1982, Khối Ngoại ngữ của trường đã tách ra, lập nên Trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự. Đại tướng Phùng Quang Thanh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay, đã theo học trường này.

Đến năm 1990, khối văn hóa còn lại, sáp nhập vào Trường Sĩ quan Lục quân I. Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng chính thức kết thúc vai trò lịch sử của mình.

Thế là một mái trường (với 3 cái tên khác nhau: Trường Văn hóa Quân đội; Trường Văn hoá Quân đội – Nguyễn Văn Trỗi; Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng), một “con đò” quân sự đặc biệt, sau 35 năm tồn tại và miệt mài sông nước (1955 – 1990), đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Quân uỷ, BQP trao cho, đã thôi không còn “chở khách” từ 25 năm nay. Nó thanh thản bỏ neo trong trí nhớ của cả “người chèo đò” lẫn “khách qua sông” suốt những năm tháng hàn vi về văn hóa ấy của quân đội ta, dẫu hôm nay đã người còn người mất.

Một Huân chương Chiến công hạng Hai và một Huân chương Chiến công hạng Ba đã được trao cho “con đò” ấy. Chẳng bao giờ người ta còn thấy “con đò” ấy qua sông nữa. Nó sẽ mãi ngủ ngon. Trang sử ấy, trang sử diệt “Giặc dốt” bậc phổ thông trong quân đội, chắp cánh cho nhiều cán bộ – chiến sĩ ưu tú của quân đội ta bay cao, vươn xa, về căn bản, đã được viết xong! Trí tuệ, mồ hôi của hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường rất đáng được ghi nhớ.

Trong lễ kỷ niệm 55 năm, ngày thành lập trường (2010), Đại tướng Lê Văn Dũng, khi ấy là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, một học viên cũ của trường, đã phát biểu: “… Nếu còn phiên hiệu, Trường Văn hóa Quân đội xứng đáng được trao danh hiệu Anh hùng LLVT. Trước mắt, cần đề nghị Bộ Tư lệnh các Quân khu cho dựng những tấm bia lưu niệm – ghi lại công trạng của nhà trường ở những nơi Trường Văn hóa Quân đội đã đóng quân như: Kiến An, Lạng Sơn …”.

Dù chưa có được những danh hiệu cao quý, những tấm bia công trạng… nhưng những lời này của Đại tướng cũng đã làm ấm lòng bao cán bộ, giáo viên, công nhân viên đã từng giảng dạy và công tác dưới mái trường này.

NHỚ TẾT

banhchung7

Ngày còn bé, tôi hỏi cha tôi:

Tết là gì? Thưa cha!

Tết là cách gọi chệch đi của chữ Tiết trong Lễ tiết ấy.

– Thế Tết Nguyên Đán là gì ạ?

Nguyên là khởi đầu, Đán là buổi sớm. Nguyên Đán là bắt đầu một buổi sớm. Tết Nguyên Đán là lễ tiết khởi đầu một năm mới, mở đầu một mùa xuân mới, con ạ!

– Thế Tết đến để làm gì ạ?

– Thì để người ta mong có một năm mới tốt đẹp hơn năm cũ. Nhà nông thì mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Học trò thì mong học giỏi, đỗ đạt, hiển vinh. Người già thì mong sống lâu trăm tuổi. Vợ chồng thì mong “Bách niên giai lão”, gia đình đầm ấm yên vui. Để mọi người chúc nhau mạnh khỏe, “Vạn sự như ý”. Để mọi người đẹp lên trong lúc sống với nhau. Để cúng bái- giao tiếp với tổ tiên, thần linh, trời đất. Để con cháu tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ…

Quê tôi ven sông Đáy. Tết quê tôi cũng giống Tết ở mọi nơi trên miền Bắc này. Tôi thấy Tết ở quê tôi bắt đầu từ ngày cúng ông Công ông Táo. Thời bao cấp, làm gì có điện, có ga. Anh em chúng tôi cùng cha nặn bộ “đồ rau” mới từ trước đó. Chúng tôi trộn nhuyễn đất thịt hoặc đất sét với giấy bản, rồi nặn lấy 3 bộ, gồm 9 “đồ rau”, mỗi bộ gồm có 3 vị- “2 ông và 1 bà”. Đến ngày 23 tháng Chạp thì làm cỗ mặn, rồi thắp hương khấn rằng:

Nam mô A-di-đà Phật!

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp năm …

Tín chủ là …

Người xóm … thôn … xã … huyện … tỉnh …

Cùng toàn gia kính bái

Trước linh tọa của Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, kính cẩn thưa rằng:

Nay cuối mùa đông

Tứ quý theo vòng

Hai ba tháng Chạp

Sửa lễ kính dâng

Hoa quả đèn hương

Xiêm đai áo mũ

Phỏng theo lễ cũ

Ngài là vị chủ

Ngũ tự gia thần

Soi xét lòng trần

Táo Quân chứng giám

Trong năm sai phạm

Các tội lỗi lầm

Cúi xin tôn thần

Gia ân châm chước

Ban lộc ban phước

Phù hộ toàn gia

Trai tráng trẻ già

An, ninh, khang, thái!

Cúng xong, chúng tôi gánh các bộ “đồ rau” cũ lên đường Đình, ven sông, chỗ sâu nhất, thả xuống cùng 3 con cá chép, tin rằng cứ thế, là “2 ông 1 bà” cưỡi cá chép lên Thiên đình, tâu xin Ngọc Hoàng cho chúng tôi được như nguyện.

Tết thời ấy nghèo, chỉ những ai là cán bộ mới có các tiêu chuẩn gạo nếp, trà, thuốc, bánh kẹo, nước mắm, mì chính…, còn lại thì cùng nhau tự lo- tự cấp, tự túc.

Làng tôi có nhiều ao, nuôi được nhiều cá. Gần tết, hợp tác xã tát ao, bắt cá, chia cho các nhà theo nhân khẩu. Năm nhiều thì mỗi khẩu được một vài cân, năm ít thì mấy lạng. Mẹ tôi thường đem cá ấy kho mặn, rồi hong- phơi cho khô, Tết thì đem kho lại để ăn với bánh chưng. Thế đã là ngon lắm. Bánh chưng còn có thể chấm đường hoặc ăn với chè kho. Chè kho nấu bằng đậu xanh và mật, hoặc sang hơn thì nấu với đường phèn, đường hoa mai, trộn cả thảo quả khô nghiền nhỏ, cay cay, thơm thơm, để được rất lâu.

Tết đến, xã cấp cho dân “giấy sát sinh” để có thể mổ lợn lấy thịt mà gói bánh chưng và làm cỗ Tết. Nhà nghèo hoặc nhà ít người thì “đụng” – mấy nhà mổ chung một con lợn – nhà khá giả hoặc đông người thì mổ cả con. Nhà tôi thường “đụng” nửa con- tức là khoảng 40 – 50 cân hơi. Mỗi nhà chỉ cần mấy con gà, con vịt, con ngan, con ngỗng nữa đủ ăn Tết. Nói thế, nhưng cũng có ít nhà quá khó, chả đủ thịt, cá mà ăn một cái Tết tươm tất.

Thường người ta mổ lợn vào sáng ngày 30 Tết. Thủ và chân giò thì để tối cúng tổ tiên, thần linh. Thịt thì gói bánh tối luộc và pha sẵn để ăn Tết. Trưa 30 là vui nhất, vì cả nhà được ăn tiết canh, lòng lợn thoải mái. Cả năm thiếu “chất nhờn”, bữa lòng lợn tiết canh trưa 30 trở thành “đại tiệc” của dân nghèo cuối năm, dù không sang, nhưng rất đã! Sang hôm sau thì có cỗ Tết cẩn thận rồi.

Nhà tôi thường gói bánh vào chiều 30 và luộc ngay đêm ấy. Nông thôn, trời rét, chúng tôi luộc bánh chưng ngay giữa nhà. 50 chiếc bánh chưng xếp trong một chiếc thùng tôn lớn, được đổ xâm xấp nước nóng, kê vững chắc trên gạch và đun bằng củi gộc- gốc cây, gốc tre- tích sẵn trong năm. Trên miệng thùng là một vòng nùn rơm, trên vòng nùn rơm là một nồi lớn đựng nước lã. Khi nước trong thùng bánh vơi xuống, nước trong nồi cũng nóng già, chúng tôi lại “chế” nước trong nồi vào thùng. Cứ như thế, 10 đến 12 tiếng đồng hồ là bánh chín rền. Đừng “chế” nước lạnh mà bánh bên trên bị “hấy”. Đừng đun to quá mà bánh phía dưới bị nát. Nước “chế” còn thừa có thể tắm “tất niên”. Bánh chín, vớt ra, xếp lên cánh cửa gỗ, lại lấy cánh cửa gõ đặt lên trên, đặt vật nặng- cối đá, thùng gạo, thúng thóc…- nén vừa phải cho bánh mịn chặt. Sáng mùng 1 là có bánh cúng rồi. Suốt đêm, chúng tôi trải chiếu quây quần bên bếp bánh, nghe cha, mẹ nói chuyện về mọi việc. Cha tôi là nhà Nho thì nói chuyện chữ nghĩa. Mẹ tôi thì hay kể về ngày chúng tôi còn bé dại. Tôi thích nhất hai đôi câu đối mà cha tôi hay đọc: “Tối ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa”; “Sáng mồng một rượu say túy lúy, dang tay bồng ông Phúc vào nhà”; và: “Có bao nhiêu, ba vạn chín nghìn ngày, được trăm bận Tết”; “Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân”.

Ngày bé, cứ nghĩ, mỗi năm có 4 mùa xuân thì thích lắm, vì được ăn cả 4 cái Tết mỗi năm. Lớn lên, mới biết, nếu mỗi năm có 4 cái Tết, thì dân nghèo đào đâu ra cỗ bàn và đồ lễ? Bây giờ, người khá giả ăn ngon quanh năm đến bị gút! Kẻ khó vẫn phải nhờ truyền hình, nhờ các nhà lãnh đạo cao cấp, hô hào “giúp người nghèo ăn Tết” đấy thôi. Hóa ra, “An, ninh, khang, thái” đâu có dễ về!

Cha mẹ tôi đã mất từ lâu. Anh cả tôi cũng đã quá tuổi “cổ lai hy”. Tôi không còn được luộc bánh tối 30 tết nữa! Tôi cũng đã gần “lục thập”. Tôi lại kể cho các con nghe về ông, bà ngày xưa, về tôi và các bác ngày còn bé, về 32 cái tết bộ đội mà tôi đã trải- cả thời chiến lẫn thời bình. Nhìn mắt chúng, nhìn những bước chân sáo của chúng khi Tết đến, tôi thấy, Tết quả là món quà đẹp nhất, vui nhất của lũ trẻ. Cầu cho chúng sớm và luôn “An, ninh, khang, thái”. Còn tôi, tôi ngồi viết bài thơ này cho mình:

CHẠP NÀY VỀ

Chạp này về với chiều sông Đáy

Rửa lá dong xanh, đám gái làng

Dìu dịu như ngà, như nếp trắng

Buộc người như những sợi lạt dang

Chạp này về với đường đi chợ

Đòn tre nhún nhảy đổi hai vai

Mấy chị quẩy hàng xuôi huyện sớm

Cỏ dầy rơ nhện sương ngọc trai

Chạp này về với đường đi học

Lúa chửa xanh đồng, dâu đã gum

Trâu rét gặm lười trong gió bấc

Mây ở trên trời, khói dưới thôn

Chạp này về với thời niên thiếu

Bánh chưng bắc bếp luộc trong nhà

Anh em trải chiếu nằm bếp lửa

Ai biết rồi ra ngày một xa

Chạp này về với miền thơ ấu

Nơi có cha nghiêm mẹ dịu dàng

Cha mẹ đã thành ra cổ tích

Cỏ nằm kế mãi dưới chân nhang.

_______________________________________________

Bài Tết 2015